Để đảm bảo tiến độ thi công dự án cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các đơn vị phối hợp giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng và đặc biệt là giải quyết nguồn vật liệu đất đắp phục vụ thi công cao tốc.
Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN
Theo đó, về tháo gỡ khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện có đường cao tốc đi qua đôn đốc các hộ dân đã nhận tiền bồi thường; hỗ trợ khẩn trương tháo dỡ, di dời nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu... ra khỏi diện tích đất đã được bồi thường; đồng thời, vận động, thuyết phục và giải quyết dứt điểm số hộ còn lại chưa nhận tiền bồi thường.
Đối với nhu cầu vật liệu đất đắp, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh đã chỉ đạo giải quyết nhu cầu vật liệu xây dựng dự án đường bộ cao tốc; từng bước tháo gỡ các vướng mắc, dần đi đến thống nhất các vấn đề liên quan đến việc cung cấp vật liệu đất đắp nền cho dự án. Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan ưu tiên giải quyết hồ sơ đầu tư, môi trường, đất đai, cấp phép khai thác các mỏ trong thời hạn sớm nhất có thể khi nhận được hồ sơ của doanh nghiệp.
Dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận cần khối lượng 11,7 triệu m3 đất đắp phục vụ thi công nền đường cao tốc. Riêng đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo cần nhiều nhất khoảng 9,2 triệu m3 đất đắp; trong đó, nhu cầu phải mua mới khoảng 7,5 triệu m3.
Ban Quản lý dự án 7 đã đề xuất 21 mỏ phục vụ đất đắp đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, gồm 10 mỏ với khối lượng đất đắp đề xuất sử dụng khoảng 3 triệu m3 (6 mỏ đã đầy đủ thủ tục đang khai thác, 4 mỏ đang thực hiện các thủ tục) và 11 mỏ chưa cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác đề xuất cấp mới không qua đấu giá cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù quy định tại Nghị quyết 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP đã tháo gỡ, giảm bớt thủ tục nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu và thủ tục đấu giá quyền khai thác mỏ. Đối với đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục hoàn tất thủ tục cấp phép đối với 3 mỏ, dự kiến đưa vào khai thác trong quý IV/2021. Đối với các mỏ được Ban Quản lý dự án 7 đề xuất cấp mới không qua đấu giá cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù, Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc và thống nhất lộ trình giải quyết hoàn tất thủ tục đưa các mỏ vào khai thác trong quý I/2022.
Tỉnh hiện có 2.684 hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Bắc – Nam. Tính đến ngày 15/9/2021, số hộ dân và tổ chức đã bàn giao mặt bằng là 2.668 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,4%. Diện tích đất sạch đã bồi thường 1.209 ha, đạt tỷ lệ 99%. Đối với các hộ dân còn lại dự kiến bàn giao mặt bằng xong trong tháng 10/2021. Về di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình viễn thông, công trình nước, công trình điện trung hạ thế… các đơn vị chức năng đang triển khai di dời, đảm bảo bàn giao mặt bằng trong tháng 10/2021.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160 km. Toàn tuyến có 3 dự án thành phần: Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Toàn tuyến dự án đi qua 29 xã, thị trấn thuộc 5 huyện của tỉnh gồm: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân.
Dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết điểm nghẽn trong hệ thống giao thông, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, giải quyết bức xúc về giao thông đối ngoại của tỉnh.
Khi dự án hoàn thành sẽ kết nối Bình Thuận với các khu vực trọng điểm kinh tế Đông Nam bộ và Nam Trung bộ; tạo thành tuyến giao thông huyết mạch cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thức đẩy liên kết khu vực miền Trung với miền Nam.